Hiện nay, các mối đe dọa về an toàn thông tin đang có xu hướng chuyển từ tấn công hạ tầng mạng để phá hoại, làm mất uy tín sang đánh cắp thông tin nhạy cảm nhằm trục lợi. Trong doanh nghiệp/tổ chức, loại thông tin này nằm rải rác ở nhiều bộ phận và do vô tình hay cố ý mà chúng có thể bị rò rỉ, phát tán qua nhiều con đường khác nhau. Việc tìm ra giải pháp bảo vệ dữ liệu, giải pháp lưu trữ dữ liệu phù hợp nhằm ngăn ngừa rò rỉ thông tin không hề đơn giản.

Phòng chống rò rỉ dữ liệu DLP (Data Leak Prevention) là tập hợp các giải pháp giúp tổ chức phát hiện và ngăn chặn việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm ra bên ngoài. Những dữ liệu có thể là danh sách khách hàng, bí mật kinh doanh, tài liệu kế toán tài chính công ty, thông tin hợp đồng, tài liệu kỹ thuật công nghệ, thông tin sở hữu trí tuệ, thông tin sáng chế độc quyền… được lưu và phân tán trên hệ thống máy chủ, máy trạm, PC, laptop… Một khi bị  phát tán ra ngoài thì dữ liệu này đứng trước nguy cơ bị lạm dụng rất lớn, gây thiệt hại đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hầu hết các giải pháp DLP đều bao gồm một nhóm các công nghệ phục vụ cho ba mục tiêu chính:

• Xác định danh sách, vị trí các thông tin nhạy cảm được lưu trữ trong toàn doanh nghiệp

• Theo dõi và kiểm soát luồng chuyển động các thông tin nhạy cảm trên hệ thống mạng doanh nghiệp

• Theo dõi và kiểm soát luồng chuyển động các thông tin nhạy cảm trên hệ thống của người dùng cuối.

Các giải pháp ngăn ngừa rò rỉ dữ liệu

Dữ liệu nghỉ (Data-at-rest)

Phương pháp phát hiện sự tồn tại của dữ liệu nhạy cảm nằm trong các máy trạm, máy chủ, ổ đĩa cứng, thiết bị đầu cuối,…

Dữ liệu chuyển động (Data-in-motion)

Phương pháp phát hiện và kiểm soát thông tin lưu chuyển trên mạng như qua mail, website,…

Dữ liệu đang sử dụng (Data-in-use)

Phương pháp phát hiện và kiểm soát dữ liệu trên máy trạm, máy chủ như copy ra USB, ghi CD/DVD, in trên giấy…

Đánh giá khả năng áp dụng các giải pháp DLP

Để đảm bảo các giải pháp DLP được triển khai, quản lý và điều khiển đúng, doanh nghiệp cần có hiểu biết rõ ràng về những rủi ro cũng như giám sát liên tục bốn nhóm lĩnh vực chính sau: 

• Chiến lược và quản trị doanh nghiệp: Xem lại các chiến lược bảo vệ dữ liệu để kiểm tra xem nó phù hợp với mục tiêu và rủi ro trong kinh doanh không.

• Con người: Xem lại các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức để đảm bảo rằng các nhân viên nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình.

• Quy trình hoạt động kinh doanh: Xem lại cách tiếp cận với thông tin nhạy cảm và xác định xem mức độ nào cần thiết để truy cập vào dữ liệu đó.

• Công nghệ: Xem lại các thiết bị công nghệ hiện có, xem nó đã được cài đặt đúng theo thiết kế chưa, các luồng dữ liệu ra vào doanh nghiệp.

Dù doanh nghiệp, tổ chức ở quy mô lớn, nhỏ hay vừa đều luôn muốn tăng cường bảo vệ các dữ liệu quan trọng, duy trì và lưu trữ chúng. Giải pháp DLP thường cung cấp khả năng đa diện cũng như nhiều tính năng riêng để tăng năng lực quản lý rủi ro. Tuy nhiên, các giải pháp này khá phức tạp và dễ phá vỡ quy trình, văn hóa doanh nghiệp nếu thực hiện không đúng hoặc vội vã. Lập kế hoạch chi tiết, truyền thông và đào tạo nâng cao nhận thức là tối quan trọng trong việc triển khai một chương trình thành công DLP.